• Sailor Moon Music
Tuxedo Mirage Sailor MoonS

Welcome to Sailor Moon&Sailor Senshi FC

[Giới thiệu] Đôrêmon

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down
Sun Mar 24, 2013 9:54 pm
Asayi Tenoh
Asayi Tenoh
☼Lady

Thông tin thành viên
» Hiện giờ đang:

Bài gửiTiêu đề: [Giới thiệu] Đôrêmon


Đôrêmon (Nhật: ドラえもん?) là một bộ truyện tranh Nhật Bản của tác giả Fujiko Fujio được sáng tác từ năm 1969 với mục đích ban đầu dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Tác phẩm sau đó đã được chuyển thể thành các tập phim hoạt hình ngắn, dài cùng các thể loại khác như kịch, trò chơi điện tử. Bộ truyện kể về một chú mèo máy tên là Đôrêmon đến từ thế kỉ 22 để giúp một cậu bé lớp 4 hậu đậu tên là Nôbi Nôbita. Các câu chuyện của Đôrêmon thường ngắn gọn, dễ hiểu, dí dỏm và mang cái nhìn lạc quan về cuộc sống tương lai cũng như sự phát triển của khoa học - kĩ thuật. Đôrêmon đã giành được nhiều giải thưởng truyện tranh ở Nhật Bản và được tạp chí TIME Asia bình chọn là một trong 22 nhân vật nổi bật của châu Á[2]. Kể từ khi ra đời đến nay, Đôrêmon không chỉ được coi là nhân vật và bộ truyện tranh được yêu thích hàng đầu ở Nhật Bản, nó còn trở thành một biểu tượng văn hóa của đất nước này và được trẻ em nhiều nước trên thế giới yêu thích.

Lịch sử

Đôrêmon là tác phẩm của Fujiko Fujio, bút danh chung của hai họa sĩ manga Fujimoto Hiroshi và Abiko Motoo. Bộ truyện ra mắt lần đầu tiên vào tháng 12 năm 1969[3] dành cho độc giả là các kodomo (thiếu nhi). Theo như lời tác giả Hiroshi thì trong lúc đang bí đề tài cho nhân vật truyện tranh mới thì ông bỗng thấy con gái của mình đang chơi với một con lật đật, khi đó ông bỗng nảy ra ý tưởng tạo ra nhân vật mới có hình dáng kết hợp của một con mèo với lật đật, đó chính là hình dáng của nhân vật Đôrêmon sau này[3].
Ban đầu các câu chuyện lẻ Đôrêmon được nhà xuất bản Shogakukan phát hành đồng loạt trên sáu tập san dành cho trẻ em. Các tạp chí này được đặt tên theo các cấp học của trẻ nhỏ, đó là Yoiko (nhà trẻ), Yōchien (mẫu giáo), và từ Shogaku Ichinensei (lớp Một) cho đến Shogaku Yonnensei (lớp Bốn). Từ năm 1973, bộ truyện được phát hành thêm trên hai tạp chí Shogaku Gogensei (lớp Năm) và Shogaku Rokunensei (lớp Sáu). Các câu chuyện trên mỗi tạp chí là khác nhau, đồng nghĩa với việc tác giả phải sáng tác ít nhất là 6 câu chuyện mỗi tháng. Từ năm 1974, các câu chuyện nhỏ của Đôrêmon bắt đầu được tập hợp trong các tập truyện dày, từ năm 1974 đến năm 1996 đã có tổng cộng 45 tập truyện như vậy ra đời[4]. Năm 1977, tạp chí truyện tranh CoroCoro Comic đã ra đời như một tạp chí chuyên về Đôrêmon. Các manga gốc của các bộ phim Đôrêmon cũng được phát hành trên CoroCoro Comic. Năm 2005 Shogakukan đã phát hành chuỗi năm tập manga với tên Đôrêmon thêm với những câu chuyện không có trong 45 tập xuất bản gốc. Từ năm 1987 hai tác giả Hiroshi và Motoo không còn dùng chung bút danh Fujiko F. Fujio, khi đó chỉ còn ông Fujimoto là người sáng tác Đôrêmon với bút danh "Fujiko F. Fujio" (bút danh của ông Motoo khi này là "Fujiko Fujio (A)"). Ngay cả sau khi ông Fujimoto qua đời năm 1996, các tập truyện, phim ngắn và phim dài của Đôrêmon vẫn tiếp tục được phát hành và tiêu thụ mạnh tại Nhật Bản. Tính cho đến năm 1999 đã có khoảng 100 triệu tập Đôrêmon được tiêu thụ tính riêng ở Nhật (khoảng 1,5 đến 2 triệu bản được bán hết mỗi năm), bên cạnh đó là 2000 tập phim ngắn được phát sóng (kể từ năm 1979) và 31 tập phim dài được phát hành (kể từ năm 1980) với lượng khán giả đến rạp lên tới 63 triệu lượt[3].
Sau Nhật Bản, Đôrêmon đã được phát hành tại nhiều quốc gia khác trên thế giới và đều trở thành nhân vật truyện tranh được hâm mộ, đặc biệt là tại châu Á[5]. Phần lớn các nước bắt đầu phát hành Đôrêmon bằng tiếng bản ngữ từ đầu thập niên 1990. Ở một số nước như Thái Lan, Hồng Kông, Hàn Quốc hay Việt Nam, bộ truyện này được hâm mộ ngay từ khi còn phát hành ở dạng chưa có bản quyền[3][6].

Nội dung

Tổng quan
Đôrêmon là một chú mèo máy được Nôbitô, cháu ba đời của Nôbita gửi về quá khứ cho ông mình để giúp đỡ Nôbita tiến bộ, tức là cũng sẽ cải thiện hoàn cảnh của con cháu Nôbita sau này. Còn ở hiện tại, Nôbita là một cậu bé luôn thất bại ở trường học, và sau đó là thất bại trong công việc, đẩy gia đình và con cháu sau này vào cảnh nợ nần.
Các câu chuyện trong Đôrêmon thường có một công thức chung, đó là xoay quanh những rắc rối hay xảy ra với cậu bé Nôbita lớp bốn, nhân vật chính thứ nhì của bộ truyện. Đôrêmon có một chiếc túi thần kỳ trước bụng với đủ loại bảo bối của tương lai. Cốt truyện thường gặp nhất sẽ là Nôbita trở về nhà khóc lóc với những rắc rối mà cậu gặp phải ở trường hoặc với bạn bè. Sau khi bị cậu bé van nài hoặc thúc giục, Đôrêmon sẽ đưa ra một bảo bối giúp Nôbita giải quyết những rắc rối của mình, hoặc là để trả đũa hay khoe khoang với bạn bè của cậu. Nôbita sẽ lại thường đi quá xa so với dự định ban đầu của Đôrêmon, thậm chí với những bảo bối mới cậu còn gặp rắc rối lớn hơn trước đó. Đôi khi những người bạn của Nôbita (thường là Xêkô hoặc Chaien) lại lấy trộm những bảo bối và sử dụng chúng không đúng mục đích. Tuy nhiên thường thì ở cuối mỗi câu chuyện, những ai sử dụng sai mục đích bảo bối sẽ phải chịu hậu quả do mình gây ra, và người đọc sẽ rút ra được bài học từ đó.[7]
[sửa]Nhân vật
Bài chi tiết: Danh sách nhân vật trong truyện Đôrêmon
Đôrêmon (Nhật: ドラえもん Doraemon?): Chú mèo máy của thế kỉ 22, sinh ngày Thứ Bảy 3 tháng 9 năm 2112, cao 129,3 cm, cân nặng 129,3 pound tức 58,6 kg (đây có lẽ là cân Anh - pounds, vì Nôbita có thể cõng được Đôrêmon [8]), rất sợ chuột và có thể chạy với vận tốc 129,3 km/h khi gặp chuột, nhảy cao 129.3 cm khi bị dọa dẫm. Mặc dù được gọi là một người máy "phế thải" của tương lai nhưng Đôrêmon lại trở nên đáng yêu vì sự không hoàn hảo của mình. Đôrêmon thích bánh rán dorayaki và thường bị mọi người mời ăn bánh để thuyết phục chú cho mượn bảo bối. Đôrêmon là một chú mèo máy thông minh, tốt bụng (tên đầy đủ của Đôrêmon phát hành lần đầu ở Việt Nam là Đôrêmon - Chú mèo máy thông minh) song Đôrêmon thường xuyên bị Nôbita cầu cứu, rồi khi gặp phải tình huống khẩn cấp chú mèo luôn luống cuống rút nhầm bảo bối. Nhưng với cái túi thần kì chứa các bảo bối của thế kỉ 22 và nhất là lòng dũng cảm, quý mến bạn bè (giống như tất cả các nhân vật chính khác), Đôrêmon vẫn là vị cứu tinh cho Nôbita, thậm chí cho cả nhân loại lúc hiểm nguy, và ý nghĩa hơn, là "ông bụt" thời hiện đại, khuyến khích độc giả nhỏ tuổi biết ước mơ và thích ước mơ. Hình thể của Đôrêmon ở những tập đầu hơi to, mập mạp một chút. Ở những tập sau, hình thể của Đôrêmon đã được sửa lại cho cân đối hơn.
Nôbita (Nhật: のび太 Nobi Nobita?): Nhân vật chính thường được Đôrêmon giúp đỡ, cậu sinh vào 7 tháng 8 năm 1964. Cậu rất sợ mẹ, sợ học, sợ thầy giáo, sợ Chaien,... và sợ gần như tất cả mọi thứ. Cậu là học sinh lớp bốn và là con một trong nhà. Có rất nhiều tính xấu như: ham ngủ ngày, học dốt, chơi thể thao dở ẹc, lười làm việc nhà,... Cậu rất giỏi bắn súng và rất sáng tạo trong trò chơi dây, nhưng việc mà cậu giỏi nhất là ngủ (cậu có thể ngủ bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu). Thế nhưng, Nôbita có một tấm lòng nhân hậu. Hơn nữa cậu là một người rất dũng cảm trong mọi khó khăn. Chính cậu là người đáng tin cậy nhất trong các cuộc phiêu lưu (vì luôn trở thành người hùng bất đắc dĩ).
Xuka (Nhật: しずか Minamoto Shizuka?): Bạn cùng lớp với Nôbita và sau này trở thành vợ Nôbita. Xuka xinh xắn, là con ngoan, trò giỏi, thích chơi vĩ cầm dù chơi rất tệ, ghét piano nhưng lại bị mẹ bắt học, thích ăn khoai lang nướng và đặc điểm tiêu biểu nhất là thích tắm. Cô rất chăm học và chơi thể thao cũng rất giỏi. Tính Xuka tuy dễ thương nhưng nhiều lúc cũng khá mạnh mẽ. Xuka luôn luôn bênh vực Nôbita và nhắc nhở cậu rằng phải thật cứng cỏi thì mới xứng mặt nam nhi. Xuka cũng có lúc mượn bảo bối của Đôrêmon nhưng để làm những việc tốt cho mình và mọi người. Nhưng Xuka lại rất sợ ma, nhện, ếch, cóc,...
Chaien (Nhật: ジャイアン Gaien?) (tên thật là Goda Takeshi): Bạn cùng lớp với Nôbita, thường được gọi là Chaien rốn lồi hoặc là mập lồi rốn. Là người hay bắt nạt Nôbita. Chaien là một cậu bé to béo, rất có năng khiếu học võ, tính tình thích gây gổ, lấy đồ vật của người khác và luôn tự hào về giọng hát kinh khủng của mình cộng với tài nấu những món ăn "bốc mùi đặc biệt". Tuy hay bắt nạt bạn bè nhưng Chaien rất yêu thương em gái mình là Jaiko và trong những tình huống nguy hiểm, cậu luôn là người bình tĩnh và đáng tin cậy nhất. Chanen luôn quan tâm tới bạn bè và cũng có một tấm lòng chân thành, không xấu xa như mọi người nghĩ. Điểm yếu: sợ mẹ (vì mẹ thường đánh cậu vì: không trông cửa hàng, bắt nạt bạn bè, ...).
Xêkô (Nhật: スネ夫 Honekawa Suneo?): Bạn cùng lớp với Nôbita, thường được gọi là Xêkô mỏ nhọn vì hay khoe khoang, khoác lác, về sự giàu có của gia đình mình với bạn bè. Cậu ta khoe nhiều thứ với bạn bè và luôn cho Nôbita chỉ làm người ngoài lề. Mặc dù vậy, Xêkô là một cậu bé ham hiểu biết, có năng khiếu về cơ khí và điện tử. Tuy hay trêu trọc bạn bè, Xêkô cũng rất tốt bụng và biết cảm thông trong mọi nguy hiểm, có điều cậu cũng hơi nhút nhát trong những cuộc phiêu lưu ,cậu cũng hay đòi về nhà và hay nhớ mẹ,thường hay nói "Mẹ ơi!". Cậu không thích chiều cao của mình , vì cậu khá lùn. Ước mơ của cậu là trở thành một nhà thiết kế thời trang trong tương lai.
[sửa]Chủ đề
Bối cảnh của Đôrêmon là xã hội Nhật Bản những năm 1970 được thu nhỏ trong một khu phố ngoại ô của Tokyo, nơi đó có những gia đình khá giả với biệt thự, xe hơi như gia đình của Xêkô, nhưng cũng có những gia đình bình dân mà ông bố chỉ là một viên chức nhỏ còn bà mẹ luôn phải lo lắng cho chi tiêu trong nhà như gia đình của Nôbita. Chủ đề chính trong Đôrêmon thường xoay quanh mối quan hệ bè bạn của nhóm bạn Đôrêmon - Nôbita - Xuka - Chanen - Xêkô hay quan hệ giữa các cô bé, cậu bé trong nhóm với gia đình, họ hàng, thú nuôi trong nhà. Do là manga dành cho lứa tuổi thiếu nhi nên các mâu thuẫn, rắc rối trong Đôrêmon nếu có nảy sinh thì cũng chủ yếu xuất phát từ suy nghĩ trẻ con của nhóm bạn và nhanh chóng được giải quyết vào cuối câu chuyện.[5] Tuy nhiên đôi khi tác giả cũng đặt nhóm bạn của Đôrêmon vào những chủ đề "nghiêm túc" hơn như bảo vệ môi trường, sự phụ thuộc của con người vào khoa học công nghệ hay mâu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình, qua đó đưa ra cho độc giả nhỏ tuổi những bài học đạo đức nhẹ nhàng. Không chỉ đề cập tới các "bảo bối" vốn xuất phát từ trí tưởng tượng của mình, tác giả Fujimoto còn thông qua Đôrêmon giới thiệu với người đọc những thành tựu lớn của khoa học - kĩ thuật thập niên 1970 như các nghiên cứu về thuyết tương đối, tia laser hay du hành vũ trụ.[3]
Theo ông Ito Zensho, một người thân cận của họa sĩ Fujiko F Fujio và là giám đốc công ty Fujiko Pro. thì nhân vật Nôbita đã thể hiện phần nào hình ảnh của chính họa sĩ Fujiko, một cậu bé kém thể thao nhưng luôn thích tìm hiểu những kiến thức khoa học và xã hội.[9]. Hai tác giả Fujimoto Hiroshi và Abiko Motoo cũng thể hiện mỗi thế mạnh riêng của từng người qua bộ truyện Đôrêmon, với Motoo là khả năng miêu tả tâm lý nhân vật xuất sắc, còn ở Fujimoto là khả năng xây dựng những bối cảnh và nhân vật có vẻ ngoài bình thường nhưng lại ẩn chứa bên trong những điều tuyệt vời bí mật[10].

Thời gian trong Đôrêmon
Cũng theo ông Ito Zensho thì "thời gian" là một trong những yếu tố cơ bản để họa sĩ Fujiko F Fujio sáng tác nên bộ truyện Đôrêmon[9]. Người đọc thường xuyên thấy xuất hiện trong các mẩu chuyện Đôrêmon ước muốn của Nôbita và các nhân vật khác với việc "điều khiển thời gian". Ước muốn đó có lẽ xuất phát từ sự chặt chẽ, chính xác về thời gian, một biểu hiện của đời sống thường ngày của người dân Nhật. Giống như ông bố hay đi làm muộn, Nôbita thường xuyên đi học trễ giờ, và đi kèm với nó luôn là hình phạt đứng ngoài lớp, chép phạt hay thông báo với bố mẹ. Tác giả Fujimoto xây dựng những rào cản về thời gian là để Nôbita bộc lộ ước muốn thay đổi sự ngặt nghèo đó. Và để giúp đỡ cậu bé, Đôrêmon có hàng loạt "bảo bối" liên quan tới thời gian, từ tivi thời gian, đồng hồ thời gian, thắt lưng thời gian đến bảo bối phổ biến nhất, thường xuất hiện nhất đó là cỗ máy thời gian được đặt trong ngăn bàn học của Nôbita. Không tập trung đi vào khai thác nguyên lý hoạt động của cỗ máy thời gian hay nghịch lý thời gian mà nó đem lại như các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng phương Tây, Đôrêmon chỉ tập trung đi sâu vào việc các cô bé, cậu bé đã khai thác tính năng kì diệu của cỗ máy đó như thế nào, và vì thế Đôrêmon giàu trí tưởng tượng và gần gũi hơn với các độc giả nhỏ tuổi. Đôi khi những nghịch lý trong quan hệ nhân quả của cỗ máy thời gian cũng được tác giả đề cập tới, nhưng chỉ trong các câu chuyện khi Nôbita muốn sử dụng nó vì lợi ích cá nhân, còn khi Nôbita và Đôrêmon chui vào hộc bàn với những ý định tốt đẹp như tìm lại hình ảnh người thân hay hàn gắn những lỗi lầm trong quá khứ, hai cậu bé lại thường đạt được mục đích của mình. Các chuyện tiêu biểu cho trường hợp này có thể kể tới Bà nội (kể về cuộc gặp gỡ giữa Nôbita với người bà đã khuất, trong 1 số tập truyện gọi là "bà ngoại" nhưng có thể đó chỉ là lỗi dịch thuật của nhà xuất bản mà thôi) hay Cô gái hoa bách hợp (kể về cuộc phiêu lưu tìm lại cho ông Nôbi - bố của Nôbita, một hình ảnh về người con gái ông quen từ ngày còn bé).[11]
[sửa]Bảo bối
Bài chi tiết: Danh sách bảo bối trong truyện Đôrêmon
Một trong những nét đặc sắc nhất của bộ truyện là những bảo bối - dōgu (kana: 道具) của Đôrêmon. Đó có thể là những thiết bị mang hình dáng của vật dụng thường ngày nhưng lại có chức năng kì diệu theo kiểu khoa học viễn tưởng. Với những bảo bối này, Đôrêmon theo một cuộc bầu chọn năm 2007 trên trang tin tức Oricon thậm chí đã được xếp thứ hai trong "danh sách các nhân vật manga quyền năng nhất", chỉ sau Sôngôku của Bảy viên ngọc rồng[12]. Do có rất nhiều tập truyện lẻ và hàng loạt các tập phim hoạt hình ngắn, dài trong đó mỗi một tập lại xuất hiện những dōgu mới vì vậy khó có thể thống kê chính xác số dōgu đã từng xuất hiện trong Đôrêmon. Trong một lần trả lời phỏng vấn ông Fujiko F. Fujio khi được hỏi về số bảo bối của Đôrêmon đã đưa ra con số 1293[13], nhưng có lẽ đó chỉ là con số dự định ban đầu của ông (tương ứng với các số đo của Đôrêmon - đều là 1293) vì theo một thống kê năm 2004 của giáo sư Yokoyama Yasuyuki (thuộc đại học Toyama) thì số bảo bối của Đôrêmon xuất hiện trong 1344 câu chuyện lên tới 1963 dōgu[14]. Các bảo bối được tác giả tưởng tượng ra từ thập niên 1970 nên đã có một số được khoa học - kỹ thuật hiện thực hóa. Một ví dụ là chiếc máy chụp ảnh vệ tinh xuất hiện trong tập phim Pho tượng thần khổng lồ (のび太の大魔境) được Đôrêmon và Nôbita sử dụng để tìm ra vị trí của pho tượng thần giữa rừng rậm châu Phi. Hiện nay với các trang web chứa ảnh vệ tinh như Google Maps, con người hoàn toàn có thể tiếp cận với những ảnh vệ tinh như vậy mà không cần phải nhờ tới "bảo bối" như của Đôrêmon.

Đoạn kết
Do là một bộ manga có kết cấu tương đối độc lập, các câu chuyện chỉ có chung bối cảnh và nhân vật, còn cốt truyện của các tập Đôrêmon ít có liên hệ với nhau vì vậy cho tới khi qua đời năm 1996 hầu như chưa bao giờ họa sĩ Fujiko đề cập tới một "đoạn kết" cho bộ truyện. Chỉ có ba lần "đoạn kết" của Đôrêmon được xuất bản trong đó có hai đoạn kết với mục đích kết thúc bộ truyện vì các độc giả của Đôrêmon đã lớn hơn và nhà xuất bản nghĩ rằng Đôrêmon cần một cái kết thực sự. Tháng 3 năm 1971 tạp chí Shogaku 4-nensei đã xuất bản một đoạn kết theo đó vì những người đến từ tương lai gây ra quá nhiều rắc rối, chính phủ ở thế kỉ 22 đã quyết định cấm hoàn toàn việc du hành thời gian, đồng nghĩa với việc Đôrêmon phải quay trở lại thời đại của cậu và phải rời xa Nôbita. Tháng 3 năm 1972 cũng tạp chí Shogaku 4-nensei đã đưa ra một đoạn kết khác theo đó Đôrêmon vì vài lý do phải quay trở lại tương lai nhưng cậu phải bịa ra lý do là vì trục trặc kĩ thuật để Nôbita có thể để chú mèo máy ra đi. Nôbita tin vào lý do đó và hứa sẽ đợi đến khi Đôrêmon khỏe lại. Nhận ra rằng Nôbita có thể chịu đựng được sự ra đi của mình, Đôrêmon nói cho cậu sự thật và Nôbita đã chấp nhận nó. Cuối cùng Đôrêmon trở về thời tương lai. Hai đoạn kết này sau đó không được tái bản.
Đoạn kết thứ ba được coi là đoạn kết chính thức thực ra là vì xếp hạng của bộ truyện trên truyền hình thấp và một phần vì hai tác giả của bộ truyện quá bận với các công việc khác. Tháng 3 năm 1973 trong ấn phẩm của tạp chí Shogaku 4-nensei, Nôbita trở về nhà sau khi lại bị Chanen bắt nạt. Sau đó, Đôrêmon nói với Nôbita rằng cậu phải quay trở về tương lai. Nôbita cố gắng thuyết phục Đôrêmon ở lại nhưng sau khi nói chuyện đó với bố mẹ mình, cậu đã chấp nhận để Đôrêmon ra đi. Hai cậu bé cùng nhau đi dạo lần cuối trong công viên. Sau khi hai người chia tay, Nôbita gặp Chanen và lại bị bắt nạt. Nhưng lần này, Nôbita đã cố gắng thắng Chanen bằng mọi giá chỉ với mục đích là Đôrêmon sẽ an tâm về cậu khi chú mèo quay trở lại tương lai, vì Nôbita nhất định không đầu hàng dù bị đánh tơi tả, cuối cùng Chanen phải công nhận Nôbita là người thắng cuộc. Đôrêmon tìm thấy Nôbita khi đi ngang qua và đưa cậu về nhà. Ngồi cạnh Nôbita đã thiếp đi, sau một hồi suy nghĩ, Đôrêmon quyết định trở về tương lai. (Đoạn kết này cũng có thể tìm thấy ở chương cuối của tập 6 bộ truyện tái bản "Tạm biệt Đôrêmon"). Tuy nhiên Đôrêmon luôn nằm trong tâm trí của hai người và bộ truyện lại được tiếp tục chỉ một tháng sau đó. Năm 1981, câu chuyện kết này được làm thành một tập phim hoạt hình (có tên "Đôrêmon trở lại"), và đến năm 1998 thì được phát hành như một bộ phim hoạt hình riêng.


Hình vẽ Đôrêmon do Yasue T. Tajima thực hiện
Đã có nhiều người hâm mộ hoặc các họa sĩ manga nghiệp dư tìm cách xây dựng một "đoạn kết" cho Đôrêmon. Trong đó nổi tiếng nhất là đoạn kết do họa sĩ manga nghiệp dư có bút danh Yasue T. Tajima xây dựng[15]. Theo đó bộ pin của Đôrêmon cạn năng lượng, và Nôbita phải chọn lựa giữa việc tự mình thay thế bộ pin bên trong chú mèo máy bất động (việc này có thể dẫn đến Đôrêmon bị cài đặt lại từ đầu và mất hoàn toàn trí nhớ) hoặc cậu phải chờ một nhân viên kĩ thuật đủ khả năng phục hồi lại Đôrêmon một ngày nào đó. Ngay từ hôm đó Nôbita tự hứa rằng mình sẽ chăm chỉ ở trường, tốt nghiệp loại ưu và sẽ trở thành một chuyên viên về robot. Cuối cùng trong tương lai cậu đã thực sự trở thành một giáo sư về robot và thành công trong việc làm sống lại chú mèo máy. Cậu trở thành một chuyên gia trí tuệ nhân tạo thành đạt và sống hạnh phúc, thậm chí còn giúp đỡ con cháu giải quyết những khó khăn tài chính đã dẫn đến việc họ phải gửi Đôrêmon về cho Nôbita.[16] Ý tưởng về kịch bản kết này được Tajima đưa lên Internet năm 1998, năm 2005 anh chuyển nó thành dạng manga và chỉ trong vòng hơn một năm Tajima đã bán được tới trên 13.000 bản Đoạn kết của Đôrêmon (với giá 500 yên mỗi bản). Sự việc đi xa tới mức nhà xuất bản Shogakukan, nơi giữ bản quyền Đôrêmon đã phải buộc Tajima ngừng phát hành, họ cũng công nhận rằng nét vẽ của người họa sĩ nghiệp dư này không khác nhiều lắm so với nét vẽ của họa sĩ quá cố Fujiko[17], một số người còn nhận xét rằng cái kết do Tajima xây dựng có tính giáo dục sâu sắc không kém những câu chuyện Đôrêmon "thật"[15]. Nhưng hầu như Đôrêmon là một cuốn truyện không hề có đoạn kết.
Hết phần cho biết trước nội dung.
[sửa]Chuyển thể

Bài chi tiết: Danh sách tác phẩm Đôrêmon và Danh sách tập truyện Đôrêmon
[sửa]Phim hoạt hình
Bài chi tiết: Đôrêmon (phim)
Các tập phim hoạt hình Đôrêmon bắt đầu được phát sóng trên kênh Nippon Television từ năm 1973[4] tuy nhiên chúng ít được đón nhận và phải ngừng sản xuất sau một thời gian ngắn. Đến năm 1979 kênh TV Asahi bắt đầu sản xuất một loạt phim hoạt hình ngắn mới, loạt phim Đôrêmon này đã được phát sóng từ đó cho tới hiện tại với khoảng trên 1.700 tập[3]. Các bộ phim hoạt hình ngắn Đôrêmon đều đạt được tỉ lệ người xem rất cao và được coi là một trong các yếu tố thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp phim hoạt hình Nhật Bản[18]. Năm 2005 đài TV Asahi đã công bố các seiyū mới để lồng tiếng cho nhân vật của Đôrêmon, họ thay thế cho những diễn viên lồng tiếng đã làm việc liên tục gần 20 năm trước đó[19]. Loạt phim hoạt hình này sau khi công chiếu ở Nhật đã được phát sóng trên nhiều nước khác trong đó có những nước chưa phát hành chính thức truyện tranh Đôrêmon.
Vào năm 1980, phim đầu tiên trong loạt phim hoạt hình chủ đề (mỗi năm sản xuất một tập) được công chiếu, đây là dự định được ấp ủ từ lâu của tác giả Fujimoto[10]. Các phim này có tính chất phiêu lưu hơn khi các nhân vật quen thuộc trong Đôrêmon đến những nơi nguy hiểm và kì lạ. Nôbita và các bạn đã quay về thời kì khủng long, đến những nơi xa xôi trong dải ngân hà, vào đến trung tâm của rừng già châu Phi nơi mà họ đã gặp một giống chó có tính người, xuống tận dưới đáy đại dương, và vào cả trong thế giới phép thuật. Nhiều phim dựa trên những truyền thuyết như Atlantis hay tác phẩm văn học nổi tiếng như Tây du kí và Nghìn lẻ một đêm. Một số phim có chủ đề khá "nghiêm túc", đặc biệt là về việc bảo vệ môi trường và việc ứng dụng các công nghệ mới. Tại Việt Nam các bộ phim này được xuất hiện lần đầu dưới dạng các tập truyện dài.
Chuyển thể khác
Tháng 4 năm 2008 thông tin về vở nhạc kịch Đôrêmon đầu tiên được công bố. Vở kịch này dựa trên phim hoạt hình dài Ngôi sao cảm và được công diễn tại Không gian Nghệ thuật Tokyo (Tokyo Metropolitan Art Space) từ ngày 4 tháng 9 đến ngày 14 tháng 9 năm 2008[20]. Diễn viên vào vai Đôrêmon là Mizuta Wasabi, seiyū hiện đang lồng tiếng cho Đôrêmon cho các loạt phim hoạt hình của TV Asahi[21]. Tương tự các manga nổi tiếng khác, Đôrêmon sau khi ra đời cũng nhanh chóng được chuyển thể thành các trò chơi điện tử trên nhiều thế hệ máy. Có thể tìm thấy các trò chơi lấy nhân vật chính là Đôrêmon và các bạn trên máy NES của Nintendo[22], PlayStation của Sony[23] hay mới nhất là trên các máy Wii của Nintendo[24]. Ngoài ra, Đôrêmon còn xuất hiện trong nhiều bộ trò chơi khác với vai trò như một nhân vật phụ.
[sửa]Truyện tranh liên quan
Do nhu cầu của độc giả với Đôrêmon là rất lớn trong khi sức làm việc của tác giả Fujiko Fujio chỉ có hạn, nhà xuất bản Shogakukan đã cho xuất bản một số truyện tranh phụ cũng lấy nhân vật chính là Đôrêmon nhưng do các họa sĩ khác vẽ với chủ đề khác so với các chủ đề thường được Đôrêmon nhắc tới. Đó là các bộ Đôrêmon Thêm (tiếng Nhật: ザ・ドラえもんズ) do Tanaka Doumei sáng tác và Đôrêmon bóng chày (tiếng Nhật: ドラベース) do Mugiwara Shintaro sáng tác. Cả hai bộ truyện này đều đã được nhà xuất bản Shogakukan xuất bản thành sách và được nhà xuất bản Kim Đồng tái bản theo hợp đồng chuyển nhượng bản quyền tại Việt Nam. Cả hai bộ truyện này đều chỉ tập trung vào nhân vật Đôrêmon, Đôrêmi hoặc các người máy có hình dáng, tính cách và khả năng tương tự Đôrêmon. Từ tháng 4 năm 1974 đến tháng 7 năm 1977, tác giả Fujiko Fujio còn sáng tác một loạt truyện tranh cho tạp chí Chagurin có nội dung và nhân vật gần tương tự với Đôrêmon, đó là manga Cuốn từ điển kỳ bí[25] (kana: キテレツ大百科, romaji: Kiteretsu Daihyakka). Bộ truyện này có hai nhân vật chính là cậu bé Kiteretsu cùng chú người máy Korosuke, cả hai có ngoại hình và tính cách rất giống với đôi bạn Nôbita - Đôrêmon. Truyện cũng có bối cảnh, chủ đề và các "bảo bối" gần tương tự với bộ Đôrêmon. Cuốn từ điển kỳ bí sau đó cũng được chuyển thể thành 331 tập phim hoạt hình ngắn phát trên đài Fuji Television. Cả ba bộ manga Đôrêmon thêm, Đôrêmon bóng chày và Cuốn từ điển kỳ bí đều đã được NXB Kim Đồng mua bản quyền và xuất bản ở Việt Nam.
Đánh giá

Nhận xét
Đôrêmon không chỉ là một bộ manga được ưa chuộng mà nó còn được coi là một tác phẩm có tác động tích cực tới nhiều mặt của trẻ em Nhật và các nước trên thế giới. Theo phân tích của Anne Allison thì điều làm Đôrêmon được độc giả yêu quý nhất không phải là những bảo bối thần kỳ mà chính là tình bạn của chú mèo máy với cậu bé yếu đuối Nôbita.[26] Hình ảnh thân thiện của Đôrêmon cùng những câu chuyện ngắn gọn, dễ hiểu được cho là đã góp phần thúc đẩy quá trình tập đọc, tập viết của trẻ em Nhật trong những thập niên 1970, 1980[27]. Những "bảo bối" cũng các câu chuyện phiêu lưu trong Đôrêmon đã xây dựng cho độc giả nhỏ tuổi sự ham thích tìm hiểu khoa học - công nghệ, đặc biệt là sự ham thích với robot và các ứng dụng của robot trong cuộc sống[28]. Hơn hết cách nhìn tương lai với con mắt tích cực cùng những kết thúc có hậu của các cuộc phiêu lưu trong Đôrêmon đã giúp trẻ em có được niềm tin vào tương lai cùng bài học "luôn cố gắng tìm ra lời giải" cho những khó khăn gặp phải trong cuộc sống[29].
Với những thế hệ độc giả hâm mộ Đôrêmon đầu tiên (của thập niên 1970, 1980), trong hoàn cảnh nước Nhật hiện đại ngày nay bộ truyện này còn có thêm một ý nghĩa khác, đó là gợi nhớ lại những quan hệ gia đình gắn bó, sự tôn trọng truyền thống và văn hóa dân gian, vốn đang phai nhạt dần trong xã hội Nhật[30]. Tạp chí TIMEasia đánh giá trong số các "sản phẩm văn hóa" được nước Nhật xuất khẩu ra thế giới thì Đôrêmon là sản phẩm đáng yêu và giàu tính nhân bản nhất[5]. Có nhiều lý do để Đôrêmon không chỉ phù hợp với trẻ em Nhật Bản mà còn lôi cuốn được trẻ em ở các nền văn hóa khác, đó là sự hài hước ẩn chứa trong mỗi câu chuyện, đó là những nhân vật gần gũi với trẻ em - độc giả nhỏ tuổi có thể thấy Nôbita, Xuka, Chanen và Xêkô cũng có những tật xấu, những rắc rối như chính các em gặp phải ngoài đời, đó là tình yêu với cha mẹ, ông bà, bạn bè và mọi thứ xung quanh, đó còn là niềm tin vào khả năng trong mỗi đứa trẻ - các em tuy có thể nhỏ bé, yếu đuối như Nôbita nhưng vẫn có thể "cứu thế giới", thậm chí là "cứu vũ trụ"[31]. Leo Ching trong bài viết của mình cho rằng thành công của Đôrêmon ở châu Á xuất phát từ việc bộ truyện đã phản ánh được giá trị chung của châu lục này như trí tưởng tượng hay tinh thần trách nhiệm, đây cũng là lý do giúp một sản phẩm văn hóa xuất khẩu khác của Nhật Bản là Oshin phổ biến ở châu Á.[32]
[sửa]Giải thưởng
Đôrêmon được coi là một trong những bộ truyện xuất sắc nhất của manga thập niên 1970 và 1980[5]. Bộ truyện này đã được trao nhiều giải thưởng về manga như Giải thưởng Hiệp hội họa sĩ truyện tranh Nhật Bản lần thứ hai (năm 1973)[33], Giải Manga Shogakukan lần thứ nhất dành cho hạng mục truyện tranh thiếu nhi (năm 1982)[34], Giải thưởng văn hóa Tezuka Osamu lần thứ nhất (năm 1997)[35]. Năm 2005 Đôrêmon đã xuất hiện trong triển lãm Little Boy: The Arts of Japan's Exploding Subculture do Hiệp hội Nhật Bản tổ chức tại New York với tư cách là một biểu tượng cho nền văn hóa manga của nước Nhật[36].
Đôrêmon và Pokémon
Ở Nhật Bản, Đôrêmon và Pokémon đều là những biểu tượng văn hóa được đông đảo người Nhật yêu thích, hình ảnh chú mèo máy Đôrêmon và chú pokémon đáng yêu Pikachu (nhân vật chính của Pokémon) cùng xuất hiện trên manga, anime và nhiều phương tiện truyền thông khác. Tuy nhiên ở châu Âu và Hoa Kỳ, chỉ có hình ảnh của Pikachu là được đông đảo giới trẻ phương Tây biết tới còn Đôrêmon chủ yếu được trẻ em các nước châu Á hâm mộ[37]. Nguyên nhân đầu tiên giải thích cho sự khác biệt này là do trong Đôrêmon xuất hiện rất nhiều nét văn hóa Nhật Bản nói riêng và phương Đông nói chung như ngày Tết, quan hệ gắn bó nhiều thế hệ trong gia đình (giữa Nôbita với bố mẹ, Nôbita với ông nội, Nôbita với bà ngoại,..), những điều này có thể dễ hiểu đối với trẻ em các nước châu Á nhưng lại khó tiếp thu đối với trẻ em phương Tây vốn sống trong nền văn hóa có nhiều sự khác biệt[38]. Nguyên nhân thứ hai là do trẻ em phương Tây, đặc biệt là trẻ em Hoa Kỳ thường yêu thích các truyện tranh có nhân vật chính là những anh hùng hay những người mạnh mẽ, quyết đoán (như Người dơi, Dị nhân) vì vậy dạng nhân vật như Satoshi (chủ nhân của Pikachu) sẽ dễ tiếp cận với các độc giả này hơn là dạng nhân vật hậu đậu, yếu đuối như Nôbita của Đôrêmon[39]. Sự khác biệt giữa Satoshi và Nôbita cũng là khoảng cách gần 30 năm của văn hóa Nhật những năm 1970 và 1990 - tương đương một thế hệ người Nhật, giữa tác giả và độc giả của hai bộ truyện (Đôrêmon ra đời năm 1969, Pokémon ra đời năm 1995).[37]
Hiện tượng Đôrêmon

Mặc dù ra đời từ thời kì đầu của ngành công nghiệp manga (năm 1969) với mục đích chủ yếu là dành cho trẻ em nhưng bản thân bộ truyện và nhân vật Đôrêmon đã trở thành hình ảnh quen thuộc và thân thiết hàng đầu của người dân Nhật Bản[5], trẻ em và thanh niên Nhật hầu như có thể vẽ hình Đôrêmon mọi lúc, mọi nơi[40]. Không chỉ dừng lại ở các tập truyện tranh, phim ngắn và phim dài, Đôrêmon còn xuất hiện trên các sản phẩm tiêu dùng thông thường như ví, quần áo, thậm chí người ta còn cho ra đời một hiệu đồng hồ riêng về Đôrêmon lấy tên là Doratch[41]. Ở Hakodate, Hokkaidō người ta còn thành lập một đoàn tàu theo "chủ đề Đôrêmon" với trang trí bên trong và bên ngoài tàu là hình vẽ Đôrêmon và các bạn, một trong các bến dừng của "đoàn tàu Đôrêmon" là một ga nhỏ trưng bày các đồ vật liên quan tới Đôrêmon cùng các nghệ sĩ đóng giả các nhân vật của bộ truyện này[42]. Đôrêmon còn được đưa vào giảng dạy như một môn học phụ tại Đại học Toyama kể từ năm 1998[43].
Năm 1997 bưu điện Nhật Bản đã cho phát hành một bộ tem về Đôrêmon, bộ sưu tập đắt hàng tới mức người Nhật đã phải xếp hàng để được mua các con tem có hình nhân vật truyện tranh quen thuộc với họ từ thập niên 1970[44]. Ngày 10 tháng 2 năm 1995, ba tuần sau trận động đất Kobe khiến hơn 6.000 người thiệt mạng, 300.000 người mất nhà cửa, để khích lệ những đứa trẻ ở Kobe, một rạp phim ở đây đã mở cửa miễn phí cho các em vào xem, và bộ phim được họ chọn chiếu là một phim hoạt hình dài Đôrêmon[40]. Một ví dụ khác cho sự quan tâm của công chúng Nhật Bản với Đôrêmon là năm 2005, một họa sĩ manga nghiệp dư có bút danh Yasue T. Tajima đã bán được tới trên 13.000 bản Đoạn kết của Đôrêmon do anh tự sáng tác[17]. Năm 2006 Đôrêmon đã được tạp chí TIME bầu chọn là nhân vật hoạt hình duy nhất trong số 22 nhân vật nổi bật của châu Á (Asian Heroes) trong một bài báo có tựa đề The Cuddliest Hero in Asia (Anh hùng đáng yêu nhất ở châu Á)[5]. Tháng 3 năm 2008, chính phủ Nhật Bản đã chọn Đôrêmon là Đại sứ hoạt hình chính thức của Nhật Bản trong một buổi lễ do đích thân Ngoại trưởng Nhật Bản Komura Masahiko chủ trì[45]. Viện bảo tàng manga chủ đề Đôrêmon đã được mở cửa tại Kawasaki vào ngày 03 tháng 9 năm 2011 đúng ngày chú mèo máy ra đời[46].
Không chỉ phổ biến ở Nhật Bản, Đôrêmon còn được hâm mộ tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là ở các nước châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Tại Thượng Hải, Trung Quốc người ta đã thành lập một công viên chủ đề về Đôrêmon[47]. Ở Việt Nam Đôrêmon được coi là một hiện tượng xuất bản khi chỉ sau 3 lần tái bản đã đạt tới con số 40 triệu bản in[48], một kỷ lục về xuất bản của truyện tranh nước ngoài tại thị trường Việt Nam[49].

Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C3%B4r%C3%AAmon


Xem chữ ký của Asayi Tenoh
Tài sản
Xem tài sản của Asayi Tenoh
Tài Sản
Vật Phẩm-Hoa: ">
Foods-Drinks:
Pet:



[Giới thiệu] Đôrêmon Collap11Trả lời nhanh
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Theme created by thememotive.com. Powered by WordPress.org.
Convers: cubimtq, Edit: Alice-(sailorsenshi.forumvi.com)

Forum của Sailor Moon và Sailor Senshi